[Oneshot Series] Ngư Thúc Quái Đàm

Chương 15: Gương Cổ (P1)



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Mọi người cũng đã biết rằng, gia đình Bạch công tử là một gia tộc truyền thống ở Giang Nam, tích lũy bao đời, giàu có thể địch quốc.

Nhưng tại sao Bạch đại tộc ở Giang Nam lại giàu đến thế thì có lẽ mọi người vẫn chưa biết đúng không?

Vài ngày trước, mẹ của Bạch công tử đã đến Tô Châu, liền mời tôi sang nhà họ chơi mấy bữa, tôi mới phát hiện được nội tình của gia tộc Giang Nam này.

Cái loại thế gia đại tộc, chính là không có lối sống nhân gian, cho nên mọi người căn bản là không thấy được sự giàu có của họ đến mức nào.

Nơi ở của họ thì không có gì để nói rồi, chỉ là một ngôi nhà lớn thôi, mà giống một Tô Châu Lâm Viên thu nhỏ vậy, cái gì cầu nhỏ thác nước, rồi những lối đi ngoằn ngoèo, dù sao tôi cũng chẳng hiểu.

Tôi chỉ nhặt được hai thứ mà mọi người thích nhất, một thứ là ăn, một thứ là mặc.

Đầu tiên nói về mặc nha.

Đến nhà của họ, đương nhiên là đi gặp mẹ của họ trước rồi.

Phu nhân mặc một bộ sườn xám màu xanh lá nhạt, thêu một đóa hoa trên đó, vài con bướm, nhìn thật đoan trang nho nhã, cũng không mất đi khí chất hoạt bát.

Tôi không nói tới người nào đã làm nên chiếc sườn xám này, cũng không nói về chất liệu của nó, nhìn thô quá, à cái mà tôi nói đó là mấy con bướm trên chiếc sườn xám đó.

Bướm thì có gì để nói chứ?

Có đó nha!!!

Lúc sáng đi dạo vòng quanh sân nhà, cảm thấy chẳng có gì thú vị cả, Bạch công tử biết tôi thích câu cá, nên đã cho người đem một cái cần câu đến, ngồi ở đầm nước nhà họ câu cá giải khuây.

Đó là một dòng nước sinh hoạt, được dẫn quanh sân bằng hòn non bộ và máng nước, như một dòng suối chảy róc rách nhưng rất linh động.

Cá nuôi trong đầm không phải cá chép, mà là một loại cá màu xanh đen, con được tôi câu lên dài tầm cả mét, tướng mạo thật quái dị, cái đầu thì lớn, nhìn có chút giống con ễnh ương đang phồng mang, tôi vẫn là lần đầu tiên gặp được loại cá này đấy.

Bạch công tử phủi tay cười, nói tôi hay thật, vậy mà cũng câu được cái thứ lạ lùng này, chút nữa mần nó ăn luôn!

Trong lúc trò chuyện, Bạch phu nhân đang tản bộ đi ngang qua, con cá đó liền lắc đầu vẫy đuôi, bắn nước tung tóe lên người bà, tôi vội vàng đứng dậy xin lỗi, bà mỉm cười, quay về thay bộ y phục khác đi ra, vẫn là bộ sườn xám y đúc bộ hồi nãy, đến cả hoa và bướm đều giống hệt.

Tôi có chút hiếu kỳ, thủ thỉ hỏi Bạch công tử, tại sao phu nhân lại thích mẫu sườn xám đó thế, còn làm nhiều chiếc cùng mẫu như vậy sao?

Bạch công tử hoang mang, nhịn không được cười thành tiếng, rồi nói cho tôi hiểu những người của hộ gia đình lớn ăn mặc như thế nào.

Anh nói là, y phục của những hộ gia đình lớn ở Giang Nam, mỗi ngày đều dựa theo thời tiết của hôm đó mà thay đổi, mỗi ngày ít nhất phải thay ba bộ, sáng trưa chiều, mỗi cái khác nhau. Nên dù cho tôi lúc nãy không lỡ bắn nước lên người của mẹ anh, thì đến giờ cơm trưa bà cũng sẽ đi thay thôi.

Giang Nam thường chú trọng đến vẻ đẹp tinh tế, khi thay bộ y phục khác mà còn phải khiến người ta không nhận ra, nhưng nếu nhìn kỹ thì vẫn có chỗ khác biệt, bộ sườn xám lúc sáng, có con bướm đậu trên đóa hoa, buổi trưa bay lượn xung quanh đóa hoa, buổi tối tất nhiên là tạm biệt đóa hoa từ từ bay đi xa rồi.

Đây là nói về mặc, giờ thì chúng ta nói tới ăn nhé!!!

Vốn cho rằng, bữa cơm của họ khẳng định sẽ rất tỉ mỉ tinh tế, kim bích huy hoàng, nhưng nào ngờ cũng chỉ là những món ăn bình thường, một đĩa gà phù dung, một đĩa đậu xào, một đĩa phượng vĩ xào dầu, một tô hoành thánh, nửa nồi canh, thật sự có chút đạm bạc mà.

Bạch phu nhân tùy tiện ăn một chút thì không ăn nữa, tôi liền làu bàu với Bạch công tử, không phải nói là Giang Nam thế gia các anh đều xa hoa dâm dật sao, ấy thế mà ăn những thứ này thôi à???

Bạch công tử liền hỏi tôi, vậy chúng tôi thường ăn những gì?

Tôi đáp: “Sơn hào hải vị, ba cái như môi tinh tinh, thai báo, bướu lạc đà, vú sư tử chẳng hạn! Đúng rồi, còn có cặp môi của con tinh tinh đen, các cậu đã ăn qua chưa?”

(Những món kể trên đều có thật, được liệt kê vào những món man rợ nhất của Trung Quốc thời xưa.)

Anh ta bật cười ha hả, nói đồ ăn ở gia tộc của Giang Nam rất bảo thủ, những thứ này chỉ dành cho những hộ dân mới nổi, ví dụ như thống đốc sông cổ, người buôn muối mới ăn thôi. Còn nữa, cái môi tinh tinh này ấy, thật ra không phải môi của tinh tinh đen đâu, nó là cái gò má của con hươu đem phơi khô mà thành, phải tẩy lông toàn bộ khuôn mặt mới làm được, sau khi phơi khô nó sẽ như cặp môi của con tinh tinh vậy, và cái tên cũng từ đó mà ra.

Anh ta lại nói: “Thật ra mâm cơm hôm nay chúng ta thưởng thức cũng không rẻ tiền hơn những thứ đó bao nhiêu đâu.”

Tôi giật mình, những món ăn gia đình như này, có thể mắc đến cỡ nào chứ?

Bạch công tử cười nói: “Cái đĩa đậu xào này, thật ra nó cũng không phải đậu, mà chính là hai bên má thịt của những con cá bống mú con. Cá mú bống con là những con cá nhỏ, cái đĩa này, số lượng phải lên đến hàng trăm con. Hồi trước tại Tùng Hạc lâu có món này, khách quen muốn ăn thì cũng phải đặt trước nửa tháng, Vua Càn Long cũng rất ưa thích món ăn này khi đến Giang Nam.

(塘鲤鱼: cho những ai muốn xem ảnh về loài cá này.)

“Còn cái nồi canh cá kia ấy, được nấu từ rau nhút cùng với cá vược. Rau nhút thì không có gì rồi, còn con cá không phải cá vược thông thường, nó chính là từ ‘Thuần Lư chi tư’ trong ‘Tùng Giang tứ tai lư’ của Trương Hàn. Đông Pha tiên sinh trong <Xích Bích Phú> từng nói: ‘Kim giả bạc mộ, cử võng đắc ngư, cự khẩu tế lân, trạng như Tùng giang chi lư’. Cái câu “Tùng Giang chi lư’, nói tới chính là loại cá này.”

(Câu này gốc từ thành ngữ “Thuần lư chi tư” 莼鲈之思, hình dung tình cảm nhớ quê hương. Thuần 莼 là tên một loại rau; lư 鲈 là tên một loại cá. Thành ngữ “Thuần lư chi tư” liên quan đến câu nói của Trương Hàn thời Tây Tấn. Nói chung ăn một món là nhớ đến cố hương xong làm thơ luôn. Kiếm muốn lòi bẻng họng  )

Tôi nhịn không được liền nói: “Tùng Giang lư tuy là có trân quý, nhưng cũng không thể tính là loài cá hiếm, thời gian trước tôi từng thấy có người làm hồ nuôi nhân tạo, một hai cân có năm trăm đồng.”

Bạch công tử nói rằng: “Đó là cá vược của đời sau nuôi nhân tạo, rất nhỏ. Cá vược Tùng Giang là loài sinh hoang dã, rất lớn, dài tầm một hai thước, trong đời nhà Tùy được xem như quốc ngư thời đó. Ni Khắc Tùng (Nixon) đến thăm nước Trung năm bảy mươi hai, quốc yến chính là chiêu đãi món cá này và được khen nức nở. Năm tám mươi sáu, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đến thăm nước Trung, muốn nếm thử món ăn này, sau đó lục tìm khắp nước, cũng không được một con, từ thời điểm đó loài cá này đã tuyệt chủng rồi.”

Tôi kinh ngạc nói: “Loài cá vược Tùng Giang thật đã tuyệt chủng sao? Vậy con mà tụi mình đang ăn là gì?”

Bạch công tử nói: “Ừ thì… đã tuyệt chủng rồi, nhưng trước khi tuyệt chủng, trong đầm nhà tôi vẫn còn nuôi lấy một ít.”

Tôi sững sờ: “Trong cái đầm đó, không lẽ là…?”

Bạch công tử cất tiếng cười ha hả: “Đúng vậy, chính là con cá xấu xí mà lúc nãy cậu vừa câu lên đấy!!!”

Tôi đơ người ra một lúc, mới hiểu được sự trân quý của con cá này, nó có khác gì thịt rồng đâu, đúng thực sự là còn đáng giá hơn cả thai báo và má hươu mà.”

Còn những món khác, anh ta kể ra cũng thấy bình thường, nhưng mà hoành thánh thì được gói bằng cá phèn, gà phù dung cũng không phải làm từ thịt gà, mà được nấu bằng thịt phi long của Đại Hưng An.

Loài phi long này thì tôi biết, đây là một trong những món ăn danh giá nhất ở Đại Hưng An, thuộc chủng loài như chim tùng kê, thịt ngon tươi chắc, cũng là cực trân quý, không phải dùng để làm món ăn đâu, đều là đem thịt ở phần ngực cắt xuống, những thứ còn lại chỉ để hầm với canh thôi.

Thịt của loài phi long này tươi cực kì, không tài nào diễn tả được, chỉ cần một bộ xương thôi, không thêm bất cứ nguyên liệu gì cả, sẽ nấu thành một nồi canh màu trắng sữa, thứ này là để cho hoàng đế Mông Cổ nhúng thịt mà ăn.

Tôi hỏi anh: “Vậy món rau phượng vĩ lại là thứ hiếm hoi gì?”

Anh đáp: “Cũng không phải thứ quý hiếm gì, chỉ là những loài phượng vĩ bình thường thôi.”

Nhưng tôi phát hiện ra rằng, Bạch công tử và mẹ của anh chỉ ăn đĩa rau này, bởi vì những món khác họ sớm đã ăn ngán rồi.

Sau bữa cơm, chúng tôi đi đến thư phòng, uống trà đàm đạo.

Tôi nhìn xung quanh, thư phòng của anh cũng chẳng trưng bày thư pháp đồ cổ hay tranh vẽ gì để chiêm ngưỡng cả.

Bạch công tử giải thích rằng, tự họa đồ cổ sẽ không trưng bày ở ngoài, nhất là thư pháp, trước đời nhà Minh thì đều là cực phẩm, nếu treo ở ngoài sẽ rất dễ phai mòn, những thứ đó đều có mật thất chuyên dụng bảo tồn, phải thay quần áo và giày dép chuyên môn mới có thể đi vào, nếu như tôi có hứng thú thì sẽ dẫn tôi đi tham quan.

Tôi chê phiền, nên đã lắc tay bảo thôi, dù sao tôi xem cũng chẳng hiểu gì, lại cảm khái cho lần này cũng được mở rộng tầm mắt, không ngờ rằng sự nhận biết về các thế gia đại tộc lúc trước của tôi đều là sai cả.

Bạch công tử cười to, nói rằng chủ yếu là do phim truyền hình đem theo nhiều tiết tấu, biên kịch nửa hiểu nửa không, nói năng tầm bậy, cho nên không khỏi khiến cho mọi người đều hiểu sai. Anh cho một ví dụ, điển hình nhất là thánh chỉ trong phim cổ trang. Trong phim đều là một lão thái giám giá đọc kinh bạch, họ đều sẽ đọc như này: Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết...

Câu này là sai rồi, cách đọc thánh chỉ không phải như vậy, đọc suông phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, ngữ pháp này cũng chẳng ăn nhập vào đâu cả.

Cách đọc thật sự nó là như vầy: “Phụng, thiên thừa vận, hoàng đế chiếu, viết…”

Tôi nhịn không được liền ngắt lời anh: “Thôi, thôi, được rồi, được rồi, đừng có mà diễn nữa. Tôi chỉ muốn hỏi là, có vật nào thể hiện rõ nội tình của một thế gia đại tộc không? Như tự họa đồ cổ chẳng hạn???”

Anh đáp là: “Tự họa cổ đấy à, cái này khác biệt lớn quá, không dễ nói.”

Tôi nói: “Mấy năm trước, có một siêu cấp tỷ phú đã bỏ mấy tỷ ra để đấu giá về một chiếc Kê Hàng bôi thời vua Thành Hóa, còn dùng nó uống một tách trà, cái này thật là ngầu quá đi mà.”

Bạch công tử dùng một ánh mắt quái dị nhìn tôi nói: “Ngầu mà anh nói là ở chỗ nào?”

Tôi đáp: “Còn phải hỏi, đương nhiên là cái tách trà mấy tỷ đó rồi.”

Bạch công tử liền nói: “Vậy anh bây giờ, cũng có thể nói chính mình ngầu cực rồi.”

Tôi chợt hoảng hốt, mới hiểu được ý của anh, tay run lẩy bẩy, cái tách trà mấy tỷ trên tay xém chút nữa là rơi xuống đất rồi.

Bạch công tử cười to, nói rằng đừng căng thẳng quá, tuy cái này cũng là Kê Hàng bôi, nhưng chỉ là tác phẩm phỏng chế của thời nhà Thanh thôi, cho dù nó cũng được làm từ gốm nhưng chẳng quý giá là mấy.

Tôi cảm khái một tiếng: “Hết cả hồn, tôi nói mà, sẽ không có ai dám lấy cái tách mấy tỷ dùng để uống trà hằng ngày đâu nhỉ?”

Bạch công tử lại nói: “Cái này thì cũng khó nói lắm. Tôi nhớ có lần anh từng kể qua, ở Nam Tân Cương gặp một quán trọ, người chủ trong quán trọ đó là một người Giang Nam nho nhã???”

Tôi liền gật gật đầu.

Bạch công tử nhìn tôi, nói: “Đó là cha của tôi.”

Tôi bị dọa một phen, hèn gì Bạch phu nhân lại mời tôi qua đây, rồi còn suốt ngày hỏi tôi về chuyến du lịch ở Nam Tân Cương, thì ra túy ông chi ý bất tại tửu*.

(Túy ông chi ý bất tại tửu: ý không ở trong lời; có dụng ý khác.)

Tôi lắp bắp nói: “Nhưng mà, ông nói, ông nói là vì…"

Bạch công tử gật đầu, đáp: “Đúng vậy, ông là do năm xưa bị một hồ nữ mê hoặc, sau này bỏ rơi vợ con đến Nam Tân Cương tìm cô ta.”

Tôi không biết nói gì cho phải, năm đó cảm thấy Bạch tiên sinh làm việc thật tiêu sái phong lưu, nhưng nhìn lại Bạch công tử hiện giờ, lại cảm thấy có chút đáng thương.

Bạch công tử mỉm cười: “Đó là những chuyện đã qua rồi, lúc nhỏ tôi ít tiếp xúc với ông, nên tình cảm cũng lạnh nhạt đi không ít, sau này có cơ hội tôi sẽ đến Nam Tân Cương thăm ông ấy.”

Anh nói là, chiếc Kê Hàng bôi của thời vua Thành Hóa đó, trên đời chỉ tồn tại vỏn vẻn mười cái thôi, trong số đó thì sáu cái đã được sưu tầm tại các viện bảo tàng lớn. Còn lại bốn cái, nhà anh có hai cái, nhưng cũng bị ông đem đi mất tiêu, nếu như tôi may mắn, dự là có thể đã dùng qua cái ly đó để uống trà đấy.

Tôi giật phắt người dậy, lúc đó tại Nam Tân Cương, ông chủ tiệm nho nhã đó đã mời qua tôi uống trà, chính là cái Kê Hàng bôi y đúc như cái này, tổng cộng hai cái, ông một cái, tôi một cái.

Nhưng lúc đó tôi vẫn thản nhiên, không hề biết rằng cái tách trà đó lại quý giá đến vậy, nếu như lúc đó tôi mà biết, thì có thể làm rơi nó bất cứ lúc nào hoặc đổi thành cái bát uống rượu rồi.

So sánh thì, Bạch tiên sinh vẫn là còn trẻ a.

Mà như vậy cũng tốt, có một chút khí chất, có vài người như cha của anh, càng nhìn càng giống kiểu thất thấu, khiến người ta có cảm giác sợ hãi.

Tôi hỏi anh: “Nói vậy thì đồ cổ bằng gốm sứ là quý giá nhất sao?”

Bạch công tử lắc đầu, nói: “Thật ra những sưu tập đỉnh nhất từ đồ cổ, gốm sứ, tự họa, đều ngang hàng với nhau, rất khó để nói cái quý giá nhất lắm. Nhưng mà trong giới đều công nhận chung rằng bất kể là vật sưu tầm nào, cái đáng giá nhất vẫn là những thứ từ tôn giáo, ví dụ như Phật cốt xá lợi, kinh tập bằng máu của Trương chân nhân, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với thánh vật của các giáo phái, những thứ đó đều là bảo vật vô giá."

Tôi nói tiếp: “Đây là những bảo vật trong truyền thuyết thôi, vậy còn các thế gia đại tộc thường sẽ sưu tầm những gì mà vật đó có thể nhìn thấu được nội tình của gia tộc?”

Bạch công tử suy nghĩ, rồi nói ra hai chữ: “Gương cổ.”

Tôi không hiểu liền hỏi: “Cái anh nói là cái gương trong thời cổ đại đấy à? Cái gương cổ bằng đồng đó sao?”

Anh ta gật đầu: “Chính là cái gương đồng cổ đó.”

Tôi lại nói: “Không phải chỉ là thứ không đáng giá thôi sao? Có rất nhiều gương đồng cổ trong thời nhà Thanh và nhà Minh, cũng chỉ vài ngàn là tậu được.”

Bạch công tử lắc đầu, nói: “Tôi không nói mấy loại gương đồng đó, mà là một loại gương đồng mang tính chất pháp bảo, thế gia đại tộc đều nhất định phải có, được phân chia thành nhiều loại, có loại xua đuổi tà ma, trấn áp nhà cửa, có loại nghi thần tụ khí, có loại tàng phong tụ thủy, có loại có thể báo trước hung cát, cái trân quý nhất đó là gương phép thuật, có thể chết thay gánh nạn, tương đương như có thêm một mạng vậy. Cái gương này phải chôn sâu dưới nhà cổ, không phải diệt tộc thì không được lấy ra.

Anh nói: “Năm đó cha tôi về đến nhà tổ, điều đầu tiên bà nội kêu ông làm đó là đào cái gương cổ lên, nhưng ông lại không làm theo, nếu nghe lời thì làm gì có sự kiện Hồ yêu năm đó chứ.”

Anh thở dài nói tiếp: “Đây chính là số mệnh, không có cách nào nữa.” Sau đó anh liền kể tôi nghe vài câu chuyện thần bí của chiếc gương cổ đó…

Trung Quốc có câu, kêu là “giàu không quá ba đời”, chính là nói khởi nghiệp thì dễ nhưng giữ vững sự nghiệp mới khó, bất luận sự nghiệp lớn lao cỡ nào, chỉ cần sinh ra mấy đứa phá của, thì sớm muộn gì cũng phá sản thôi.

Cho nên các đại tộc thường chú trọng sự nuôi dưỡng cho hậu nhân mỗi đời của gia tộc, đều có địa vị rõ ràng, có người kinh doanh, có người làm quan, có người học vấn cao, nhưng vậy mới có giới hạn lớn nhất cho việc kế thừa của đời sau…