[Oneshot Series] Ngư Thúc Quái Đàm

Chương 47: Câu chuyện hung trạch của Cốc sư phụ



Câu chuyện về hung trạch của Cốc sư phụ.

Đã lâu không kể chuyện về hung trạch rồi, chính là câu chuyện của Cốc sư phụ.

Vừa hay mấy ngày trước là tết trung thu. Tết trung thu sẽ tặng cho người thân bạn bè một ít quà. Món quà tuyệt vời nhất là cua lông của hồ Dương Trừng ở Tô Châu. Do vậy tôi đặt một mẻ cua tặng cho bạn bè.

Hôm qua, Cốc sư phụ đã nhận được cua lông. Gửi chuyển phát nhanh cho ông ấy thật khó khăn. Bởi vì cua lông đánh bắt từ hồ Dương Trừng ngay tại chỗ, sau đó gửi đồ tươi luôn bằng SP Express. SF Express chỉ bảo đảm sẽ giao hàng đến các thành phố có sân bay nên trước tiên nó đến Bắc Kinh, sau đó nhờ một người bạn chở đến thôn ở Bảo Định.

Cốc tiên sinh rất ngại, gọi điện thoại cho tôi, nói khách khí như vậy làm gì, aiya, còn phiền phức như vậy. Lần sau trực tiếp chiết khấu cho ông ta là được.

Nói thế nào đây, gửi qua từ ngàn dặm xa xôi, của ít lòng nhiều, tôi thực ra là có tư tâm.

Tư tâm gì nhỉ?

Chính là từ sau cuối năm ngoái tôi rời khỏi ngôi nhà ma đó, độc giả phản ánh chất lượng nội dung bài viết của chúng tôi đi xuống. Giang Nam động một tí là mưa, kim phấn thế gia, có độc giả rất phẫn nộ, còn inbox trách tôi: "Nói đến tiểu thuyết ngôn tình thì xem của Quỳnh Dao, sao phải xem của cậu?"

Tôi cảm thấy anh ta nói rất đúng, sau đó chặn anh ta.

Nhưng chúng tôi cũng thừa nhận, khoảng thời gian này, quả thực bận rất nhiều việc, truyện có hơi ít, cho nên tôi cũng đi hỏi Cốc sư phụ, hung trạch có động tĩnh gì không, tôi lại tiếp tục kể chuyện về hung trạch.

Ông ấy nghĩ rồi nói: "Nói ra thì trong thôn thật sự là có 20 người chết."

Tôi nói: "Người chết trong hung trạch không phải là chuyện bình thường à, cái nơi ma quỷ đó, không có người chết mới là không bình thường."

Ông liền cảm khái: "Người chết là 2 vợ chồng nhà lão Di."

Tôi sửng sốt: "Hai người đại ác nhân đó đều chết cả rồi sao?"

Tôi lại hỏi: "Bọn họ vì sao mà chết?"

Cốc sư phụ trả lời: "Bị điện giật chết."

Tôi bảo: "Điện giật hay lắm! Bất thình lình, xem ra ông trời cũng có mắt."

Sau đó tôi hỏi tỉ mỉ, phát hiện trong câu chuyện này thật sự vô cùng quỷ dị thần bí, được xem là chuyện hay, vậy thì hôm nay viết về nó đi.

Trước tiên nói về nhà lão Di đã.

Nhà lão Di là hàng xóm đằng sau hung trạch nhà chúng tôi. Người nhà này thập phần kỳ dị.

Mùa đông năm ngoái, khi tôi vẫn còn ở trong hung trạch, độc giả cũ chắc vẫn còn nhớ, tôi khi ấy có nói qua một chuyện: Chính là hộ gia đình đằng sau nhà chúng tôi, chó nhà họ nửa đêm cứ luôn khóc.

Là khóc thật đó, cái tiếng khóc rên rỉ ấy, nửa đêm nghe thấy cổ quái mà thê lương.

Theo cách nói của người xưa, chó khóc nửa đêm là chuyện không may mắn. Đây là một điềm xấu, báo hiệu trong nhà sắp có người mất.

Hơn nữa chuồng chó đó lại ở đằng sau phòng đọc sách của tôi. Khi tôi viết bản thảo liền nghe thấy nó khóc rên rỉ ở phía sau. Thật sự rất rùng rợn, cho nên sau đó tôi có mua không ít pháp khí, cái gì mà gương đồng cổ thời nhà Minh, Kim Cang Xử của Tây Tạng, mua rất nhiều.

(Kim Cang Xử là pháp khí của Tây Tạng, là vũ khí của thần hộ pháp “Mật tích lực sĩ”. ông ấy tay cầm Kim Cang Xử, bảo vệ Đức phật Như Lai).

Rất nhiều người Tây Tạng có thứ này trong nhà. Rất nhiều nhà ở Tây Tạng có treo “Đường Tạp”. Sau khi dùng đinh treo lên, còn dùng Kim Cang Xử quấn quanh bốn góc Đường Tạp, ý muốn làm tứ phương kết giới,cố định linh lực của Đường Tạp.

Nó có hữu dụng không, tôi cũng không rõ, dù sao cắm trên bàn tôi, sẽ cảm thấy tốt hơn một chút, cầu bình an. Nhưng tiếng chó khóc, lại không phải như thế, cho nên tôi đi ra sau xem xét, muốn xem tình hình nhà đó, có phải người già sức khỏe gặp vấn đề gì, có thể giúp gì được không?

Đi qua đó xem, phát hiện đằng sau là một ngôi nhà cổ kính, trong viện trồng một cây hạch đào thẳng tắp, còn có một cái đình nhỏ, xây dựng không tồi. Chỉ là cả ngôi nhà đều rất nhỏ, phòng thấp, cửa nhỏ, nhìn có hơi xấu.

Những ngôi nhà nhỏ ven sông Tô Châu đều khá nhỏ, nhưng lại là đặc trưng của những ngôi nhà ở Giang Nam, có nguồn gốc từ triều đại Minh-Thanh.

Ngôi nhà phía Bắc đều là nhà cửa cao sân rộng. Không có cách xây nhỏ và tinh tế như vậy.

Hơn nữa ngôi nhà này xây rất lâu rồi, hiện tại đã xuống cấp, mái nhà sắp sập rồi.

Tôi gõ cửa, không có người ở nhà, chỉ có tiếng chó sủa, chắc hẳn tiếng khóc ấy phát ra từ con chó này.

Sau đó tôi hỏi Cốc sư phụ, người ở phía sau nhà chúng tôi là ai, tại sao chó cứ khóc vậy?

Kết quả Cốc sư phụ nói: "Chuyện này thật sự là tạo nghiệp mà!"

Ông ấy nói người nhà này, cũng là một nhà… kỳ dị.

Đúng vậy, Cốc sự phụ nghĩ nửa ngày, cuối cùng thốt ra từ kỳ dị.

Ông ấy kể người nhà này họ Di, lão Di là một người không an phận, luôn nghĩ đến việc ra ngoài làm giàu.

Ông ta đã từ sớm đến Bắc Kinh làm việc, bảo vệ, công nhân, lái xe taxi, cái gì cũng làm qua, nhưng những việc này làm sao có thể phát tài được?

Sau đó ông ta mở nhà hàng ở Bắc Kinh, không biết vì sao, công việc kinh doanh rối ren nên ông ta về quê xây tòa nhà này.

Ông ta nói với mọi người xây nhà để lấy vợ. Vợ ông ấy rất thích vẻ đẹp cổ điển. Ngôi nhà này là tự tay cô ấy thiết kế. Khi ấy xây nhà là chuyện lớn, mọi người đều đến giúp, cũng có người cảm thấy không đúng, sao lại làm một ngôi nhà cổ kính như vậy?

Nhưng dù sao cũng là chuyện nhà người ta, là ý nguyện của người ta, muốn quản cũng không quản nổi.

Rồi một chuyện quỷ dị đã xảy ra, chính là trong hôn lễ của ông ta, được tổ chức vào nửa đêm.

Có người cảm thấy không đúng, làm gì có ai nửa đêm rước dâu, trừ khi là minh hôn, đón tân nương ma?

Nhưng mặc kệ mọi người dị nghị thế nào, hôn lễ vẫn diễn ra, kể cả cha mẹ ông ta không còn tại thế nữa, bản thân cũng mặc kệ, ai cũng không quản nổi.

Sau đó ông ta nửa đêm làm một chiếc kiệu hoa, đón cô dâu quỷ khí lâm lâm, nói ra cũng khá xinh đẹp chỉ là sắc mặt trắng đến dọa người.

Sau khi hôn lễ kết thúc, ở lại đây vài ngày liền về Bắc Kinh. Trước khi đi lưu lại địa chỉ nhà hàng để mọi người có thời gian thì qua ăn cơm.

Sau đó trong thôn có xe hàng lớn giao hàng tới Bắc Kinh, đi ngang nhà hàng của ông ta, muốn ghé ăn cơm, nhưng lại phát hiện nhà hàng đã khóa cửa.

Nhìn qua cửa sổ, phát hiện nhà hàng rất kỳ quái. Bàn ghế bên trong bày kín đồ. Trên bàn toàn là bát úp miệng. Mỗi bàn bày 3 cái, 2 cái bên dưới, 1 cái bên trên, xếp lại giống hình một ngôi mộ nhỏ.

Sau đó ông ta giải thích, nhà hàng của ông ta kinh doanh về đêm, buổi sáng không mở, chỉ đón khách buổi tối.

Tài xế nghe xong liền đi giao hàng, nói buổi tối ghé qua ăn cơm. Kết quả chưa đi được bao xa lại phát hiện cả con đường này bán nào là vòng hoa, nguyên bảo, người giấy quái dị, ngựa giấy chắn cả đường đi, khiến người ta không khỏi rét run. Anh ta xuống xe dời ngựa giấy, tiện hỏi thăm đồng hương, sao ở đây có nhiều tiệm mai táng thế?

Người đồng hương nói, đây là Tứ Đại Kiều Nam, anh không biết đây là nơi nào sao?

Anh ta nhanh chóng đốt điếu thuốc cho người đồng hương, nói rằng thật sự không biết.

Người đồng hương nói đây là nhà tang lễ ở quận Mật Vân.

Anh ta vừa nghe kể liền mau chóng lên xe đi luôn, làm sao dám qua đây ăn cơm nữa. Trên đường đều nghĩ, nhà hàng đó của ông ta mở ở nơi quỷ quái này, nửa đêm nửa hôm làm gì có chuyện làm ăn tốt vậy?

Lại nghĩ các kiệu hoa nằm bên vệ đường ở nhà tang lễ, cùng với những lâu đài đình các, sao lại có chút quen mắt thế nhỉ?

nghĩ đi nghĩ lại, anh ta cuối cùng mở to mắt: vợ ông ta, đây không phải giống với ngôi nhà ông ta xây ở quê sao?

Anh ta lại không dám nghĩ nhiều nữa, liền đạp ga, chạy xe vào thành phố, tìm một nhà tắm công cộng ở đó cả đêm, cũng không dám qua chỗ lão Di nữa.

Vì thế, vợ chồng lão Di trở thành điều cấm kỵ trong thôn, bọn họ cũng rất ít về, người trong thôn cũng ít qua lại với họ, do đó những nghi kỵ vẫn cứ tiếp tục.

Sau đó vợ chồng lão Di đem về một cậu con trai. Mọi người cho rằng là con trai của vợ chồng lão Di, cũng đã kết hôn nhiều năm rồi, phải có đứa con chứ, không ngờ lão Di lại không ngại ngùng nói đứa trẻ này đem từ cô nhi viện về nuôi.

Mọi người cảm thấy, ước chừng hai vợ chồng có ẩn bệnh tình, không sinh được con mới đem về nuôi. Đứa trẻ này, bọn họ không đưa về Bắc Kinh, thuê một người giúp bọn họ ở quê nuôi dưỡng, sống trong ngôi nhà quái dị mà bọn họ đã xây lên.

Tuy nhiên cơ thể đứa trẻ này không tốt, luôn ốm yếu, gió thổi là bay, sợ ánh sáng, da rất trắng, nhìn như cắt không còn giọt máu, sau đó đi Bắc Kinh vài lần, cơ thể càng ngày càng yếu.

Cuối cùng có một ngày, không thấy người đâu, nói rằng cơ thể ốm yếu quá, ở Bắc Kinh phát bệnh, không thể cứu được. Khi đứa trẻ này chết mới 13, 14 tuổi. Sau đó bọn họ lại nhận nuôi đứa thứ hai.

Đứa trẻ này có lẽ họ đã nhận được bài học từ đứa trẻ thứ nhất, cho nên chọn một đứa cơ thể cường tráng, cũng để nuôi ở quê.

Thời điểm ấy không biết tại sao, tính khí đứa trẻ đó vô cùng cổ quái, không nói câu nào, còn đánh nhau với người khác, hơn nữa như muốn lấy mạng. Hồi tiểu học suýt chút nữa cắm ngòi bút bi vào mắt bạn học. Lên cấp 2, càng vô pháp vô thiên, nuôi tóc dài, cùng 1 nhóm lưu manh làm loạn, tống tiền, đánh nhau, trộm cắp, trở thành một thiếu niên không gì không dám làm. Mọi người đều nói, đứa trẻ này không cứu được nữa rồi, chỉ cần đến 18 tuổi lập tức bị ăn đạn. Quả nhiên đứa trẻ đó không sống được quá 18 tuổi.

Năm cậu ấy 17 tuổi, ở tiệm cắt tóc, cãi nhau với người khác. Cậu ấy cướp kéo từ tay thợ làm tóc, đâm vào ngực người ta. Sau khi đâm xong cậu ấy lại không đi, tiếp tục để cho thợ tiếp tục cắt tóc.

Thợ làm tóc trước đây là một quân nhân, từng đến chiến trường Việt Nam. Khi ấy khuyên cậu ta mau chạy đi. Người bị đâm chết đó, người nhà chắc chắn sẽ tìm cách báo thù.

Cậu ta cong môi nói bản thân là người có khí phách, hôm nay sẽ đợi bọn họ đến báo thù. Thợ làm tóc nói đứa trẻ này có điều gì đó không ổn, người đầy tử khí, tương đồng với những binh lính ngã xuống ở chiến trường, chính là không coi tính mạng bản thân ra gì, cũng không coi tính mạng người khác ra gì, có xu hướng tự hủy hoại bản thân. Anh ta vẫn đang khuyên bảo thì mấy người xông vào, cầm lấy cuốc, xẻng. Cậu ta thay vì bỏ chạy còn xông đến đâm người. Cuối cùng bị bọn họ đánh cho nằm trên đất, bị đóng đinh tử vong tại chỗ.

Người thợ làm tóc kia nói, lúc lâm chung, trên người bị đâm thủng mấy lỗ. Cậu ta nôn ra một ngụm máu tươi, ngược lại cười nói: "Cuối cùng cũng chết, thật là tốt!".

Sau đó thì ra đi.

Người chết rồi, sự tình chuyển thành nghiêm trọng. Mọi người cho rằng, lão Di mất đi đứa con ở tuổi trung niên, hẳn sẽ liều mạng với nhà họ. Kết quả không ngờ, khi lão Di quay về tuy rằng rất tức giận, ngược lại không có quá nhiều bi thương, còn tìm người trung gian ý muốn giải quyết cá nhân.

Ông ta đưa ra lý do, nói đứa trẻ này đưa về từ cô nhi viện, nó được mua từ kẻ buôn người, cho nên ông ta không muốn làm lớn chuyện.

Sau đó chuyện này bị gây dựng thành đánh nhau, phòng thủ chính đáng. Chuyện này làm qua loa cho xong như vậy.

Cứ thế có thêm đứa trẻ thứ ba.

Đến đứa trẻ thứ ba này, mọi người đều có sự chuẩn bị rồi, ước chừng đứa trẻ này chắc chắn không sống đến tuổi thành niên.

Đứa trẻ ấy quả thực là gầy yếu, gần giống với đứa trẻ đầu, nhìn vào cũng là mạng chết yểu.

Kết quả không ngờ rằng, cậu ấy sống thời gian dài, còn thật sự qua tuổi 18, hơn nữa còn trưởng thành.

Cốc sư phụ nói đến đây, tôi liền hỏi ông ấy: "Vì sao vậy?"

Cốc sư phụ đáp: "Bởi vì cậu ta nuôi một con chó."

Tôi không hiểu: "Nuôi chó thì có liên quan gì chứ?"

Cốc sư phụ nói: "Con chó của cậu ta là gặp trên đường đi học, chỉ là một con chó nhỏ bình thường, bị lạc mất, có thể chết bất cứ lúc nào. Đứa trẻ thiện lương liền bế con chó nhỏ về, sau nó lớn dần. Con chó này rất quấn người, lại giữ nhà, ngăn 'sát sự' cho cậu ta."

Cốc sư phụ lại nói: "Căn nhà đó, có vấn đề, sát khí quá nặng, trong nhà có rất nhiều Hoàng bì tử."

Cốc sư phụ nói như vậy, tôi cũng chợt nghĩ ra. Bởi vì có một lần, tôi đi qua nhà họ, từ xa nhìn vào, có người đứng ở trong viện đút cho thứ gì đó ăn. Thứ này rất linh hoạt, chạy loạn trên người anh ta. Anh ta duỗi cánh tay trái, nó liền nhảy qua tay trái, anh ta duỗi cánh tay phải, nó lại đuổi theo tay phải, cứ như đang chơi trò chơi vậy.

Tôi khi ấy còn cho rằng anh ta thuần hóa chim, rất nhiều chim luyện như vậy, nhưng mà nhìn nó màu vàng lại tưởng rằng là sóc. Hiện tại nghĩ lại có lẽ là hoàng bì tử.

Vậy chuyện này lại thành kinh dị rồi.

Tôi khi ấy còn không biết những thứ này, cảm thấy nhà này rất kỳ quái, một mình đứng ở trong viện chơi đùa hoàng bì tử, một con chó già bị trói trong cũi khóc nức nở. Thật kỳ quái!

Tôi muốn qua chào anh ta một tiếng, anh ta lại chỉ lạnh lùng nhìn tôi một cái.

Tôi sững người, nhìn lại anh ta, trên người anh ta không có con vật nào, không nói câu nào, mặt không cảm xúc bước vào trong nhà.

Tôi lúc đó cho rằng anh ta là con trai của lão Di, nhưng Cốc sư phụ nói, cũng không chắc, có thể là lão Di, bởi vì lão Di nhìn rất trẻ, nhưng con trai nhìn lại rất già, hai người đứng cùng nhau, nhìn giống hai anh em. Sau đó tôi hỏi Cốc sư phụ: "Sao bọn họ lại nhốt con chó lại, hơn nữa con chó đó vì sao lại khóc?"

Cốc sư phụ nói: "Vì sao khóc à? Chắc là đói! Nếu không phải con trai ông ta lén lút đút cho ăn thì đã chết từ lâu rồi!"

Tôi hỏi: "Con chó đó há chẳng phải muốn chết rồi?"

Cốc sư phụ thở dài: "Bọn họ chính là muốn con chó đó chết!"

Tôi hỏi: "Tại sao?"

Cốc sư phụ cầm cốc rượu lên: "Uống rượu, uống rượu đi!"

Sau đó tôi cũng cảm thấy hung trạch càng ở càng hung, hàng xóm xung quanh cũng đều thần thần quỷ quỷ. Khoảng tầm Giáng sinh năm ngoái, chúng tôi chuyển đến Tô Châu định cư, chuyện của lão Di sau này cũng không biết nữa.

Cho nên lần này, nghe nói vợ chồng bọn họ (tôi trước giờ chưa từng gặp người vợ thần bí của lão Di) bị điện giật chết, rất kinh ngạc, liền hỏi Cốc sư phụ sự việc cụ thể như thế nào.

Cốc sư phụ nói: "Vẫn là con chó đó."

Ông ta kể: "Con chó đó đã sống gần 20 năm rồi, già đến nỗi mắt không nhìn thấy gì nữa, lại còn bị trói, mùa đông không được vào nhà, muốn cho nó chết cóng!

Con chó đó thật sự mạng lớn (cũng có thể con trai của lão Di lén lút chăm sóc nó), lớn đến nỗi trôi qua mùa đông mà vẫn không chết.

Lão Di không đợi được nữa, muốn giết chết con chó đó. Ông ta còn tìm người có chuyên môn hỏi làm sao giết chó, dùng phương pháp giết chó của người Quan Đông, là dùng một tấm cửa, trên tấm cửa chọc thủng 2 cái lỗ, dùng một dây gai luồn qua 2 cái lỗ, sau đó đan thòng lọng đưa cổ con chó vào và siết chặt (như vậy cách tấm cửa đó, con chó giãy dụa trước khi chết, sẽ không cào, cắn được đến người).

Nhưng con chó là thổ mệnh, muốn siết chết chó rất khó, cho nên cần 2 người, một người liều lĩnh kéo nút và siết cổ, người còn lại dùng một gáo nước đổ vào mõm chó, như vậy con chó bị sặc nước, sẽ chết nhanh hơn.

Lão Di khi ấy đã cho đầu cho qua lỗ của tấm cửa, muốn siết chết con chó, gọi con trai nhanh chóng lấy nước đổ vào mõm chó.

Con trai ông ta trông rất cổ quái, không cứu cũng không giết chó, cứ ngồi trong nhà nhìn bọn họ. Lão Di không còn cách nào đành gọi vợ ra đổ nước vào mõm con chó (bà ta cuối cùng cũng xuất hiện rồi).

Hậu quả là ngay khi bà vợ đổ nước, con chó già đột nhiên bộc phát, giật đứt dây, sau đó lao tới trước mặt người phụ nữ, ngoạm vào mặt bà ta, sau đó tập tễnh chạy ra ngoài. Vợ chồng lão Di tức phát điên, cầm con dao đuổi theo con chó.

Nói đến đây, trời bỗng nhiên u ám, rồi mưa như trút nước, tiếng sấm này rồi đến tiếng sấm khác, nước đầy sân, ướt sũng cả hai người và con chó.

Con chó già đó không sợ cái gì, cứ chạy quanh sân, đi qua đi lại, sau đó ngồi xổm ở bức tường vỡ. 2 người vừa tức vừa hận, cầm con dao lao đến. Đúng lúc này, con chó già đó đột nhiên nhảy lên, bên dưới toàn là nước, nó liền nhảy vào trong nước. Hai người sợ con chó đó chạy mất liền nhảy theo, bên ngoài lại có sợi dây điện bị đứt, rơi vào trong nước (không biết là đã đứt từ trước hay vừa mới đứt). Thế là bị điện giật, cả con chó và hai người đều chết."

Tôi nghe xong, có chút cảm khái, cũng cảm thấy có chút kỳ quái.

Bởi vì động vật, đặc biệt là động vật tu hành, rất sợ sấm sét.

Tôi trước đây ở nhà lão Mãn đại ca, nơi chúng tôi ở có cái nhà kho cũ, ở đó có mấy con hoàng bì tử. Khu vực ấy thường có sấm chớp, còn là sấm chớp trời hạn hán. Vào một ngày trời quang đãng, bỗng có sấm sét. Một tiếng sấm, lại một tia sét, đánh thẳng vào mái nhà kho, chấn động nhà kho. Những con hoàng bì tử sợ chạy toán loạn (nhân tiện nói một chút, loại cành cây bị sấm sét đánh giữa trời khô hạn mới là gỗ chống sét tốt nhất).

Cho nên con chó đó hẳn sẽ cảm nhận được dòng điện trong nước, vậy mà dám nhảy xuống, chính là muốn liều mạng! Cốc sư phụ không nói gì, chỉ nói lão Di sau khi chết, Tiểu Di xử lý xong hậu sự, liền đi ngay trong đêm. Khi anh ta đi không đem theo bất cứ thứ gì, trên vai chỉ có một thứ màu vàng, không biết là sóc hay là hoàng bì tử.