[Oneshot Series] Ngư Thúc Quái Đàm

Chương 54: Chuyện quỷ lộng hành ở Trịnh Châu



Đây là chuyện của rất nhiều năm về trước.

Vào thời điểm đó, tuyến đường sắt Thanh Hải Tây Tạng vẫn chưa được mở.

Muốn đi Tây Tạng, phải theo quốc lộ đi Tây Ninh, qua Thanh Hải, từ Cách Nhĩ Mộc đón xe khách, tiếp tục đi quốc lộ Thanh Hải Tây Tạng mới đến được nơi đây. Trên đường phải đi qua đèo Côn Lôn, Tây Đại Than, Ngũ Đạo Lương, đèo Đường Cổ Lạp, cũng đi qua cả khu bảo tồn tự nhiên Khả Khả Tây Lý.

Ven đường có đàn lừa hoang, bò Yak, linh dương Tây Tạng, còn có rất nhiều loài thú hoang dã kỳ quái hiếu kỳ nhìn bạn, giống như đang tiến vào thế giới thần thoại vậy.

Đoạn đường này thập phần hung hiểm, rất nhiều nơi bình quân đều có độ cao trên bốn ngàn mét so với mặt nước biển, rất nhiều người bị phản ứng mạnh, ngạt thở, mặt biến thành củ cải tím, chết giữa đường.

||||| Truyện đề cử: Người Chồng Vô Dụng Của Nữ Thần |||||

Chẳng còn cách nào khác, những năm đó đi Tây Tạng đều vậy, như treo đầu vào cạp quần.

Một lần tôi đang trên đường đi Tây Tạng, nghe được câu chuyện này. Lần ấy, trên đường đi Tây Tạng có một ông già, khoảng sáu mươi, bảy mươi tuổi, cơ thể tuy vẫn rắn chắc, nhưng tuổi cao như vậy vẫn đi Tây Tạng, thật sự là rất nguy hiểm.

Trong suốt đoạn đường, tôi rất để ý chăm sóc ông ấy. Đợi đến khi rời đi ở Lạp Tát, ông ấy nhất định mời tôi uống rượu lúa mạch, rượu đã ngà ngà, ông kể cho tôi câu chuyện có thật về một cơ quan nào đó ở Trịnh Châu, giống như bị nguyền rủa, vô cùng ly kỳ.

Ông già là Hoàng Hà tử đệ điển hình, mấy đời tổ tiên đều sống dựa vào sông Hoàng Hà, đánh cá, lái đò, đan lưới, cứu người.

Hoàng Hà là một nơi rất độc đáo. Mọi người xem phim về thời nhà Thanh, thường thấy một số binh lính mặc trang phục, bên trên viết chữ “Dũng”, một số viết chữ “Binh”. Thực ra có một loại binh chủng đặc biệt, là viết chữ “Binh”. Đây là “lính sông” bí ẩn và đặc biệt nhất của Trung Quốc, chuyên canh giữ sông Hoàng Hà.

Vào thời nhà Thanh, Hoàng đế Khang Hy cấp phát lương thực "chiến nhị hộ bát” (một lượng năm tiền mỗi tháng cho lính chiến đấu, một lượng mỗi tháng cho lính canh) chiêu mộ lính sông, đãi ngộ vô cùng tốt.

Ông nội của ông ấy là nhóm đầu tiên gia nhập, sau đó gia tộc không rời khỏi Hoàng Hà. Vào thời Dân Quốc, khi Viên Thế Khải cai quản sông Hoàng Hà, bọc “Trấn Hải Sa” (một nghi lễ tỏ lòng thành kính đối với sông Hoàng Hà), sửa miếu Đại Vương, lúc nghênh đón Đại Vương Hoàng Hà, ông nội của ông ấy đứng thủ hộ bên cạnh.

Tưởng Giới Thạch thành lập Hoàng Ủy Hội (Ủy ban sông Hoàng Hà), do Khổng Hướng Vinh chủ trì. Ông là hậu duệ tám đời nhà họ Khổng ở Khúc Phụ, Sơn Đông. Là anh họ của Khổng Tường Hi, tứ đại gia tộc thời bấy giờ.

Lúc đó, cha ông lão đang làm việc bên cạnh Khổng Hướng Vinh.

Ông lão này sinh ra và lớn lên bên sông Hoàng Hà, sau này làm việc ở Hoàng Ủy Hội. Ông đã trải qua đủ loại sự việc kỳ lạ ở Hoàng Hà. Điều khiến ông sợ hãi nhất là sự việc quỷ quái xảy ra ở Hoàng XX.

Đó là vào năm 54, Hà Nam chuyển tỉnh lỵ từ Khai Phong về Trịnh Châu và Hoàng XX cũng theo đó chuyển về Trịnh Châu, nay là Hoàng XX.

Ông ấy nói, cậu đừng nhìn nó hiện giờ địa thế tốt, lúc mới chuyển về đó, nó là một khu nghĩa địa hỗn loạn, xung quanh cổ mộ có cây hòe già, phải mấy người mới ôm hết.

Cây hòe già che trời chắn nắng, Những ngày hè oi bức nhất, đi dưới gốc cây đều cảm thấy gió lạnh, toàn thân nổi lớp da gà.

Cây hòe chiêu quỷ, bên trên lúc nào cũng có bầy quạ. Có lúc nửa đêm canh ba, bầy quạ già bỗng cất tiếng kêu thê lương, vô cùng khiếp sợ.

Người ta nói cây hòe già thành tinh rồi, trở thành cây tiên, rất linh nghiệm, cầu gì được nấy. Những dải vải đỏ quấn quanh cây hòe, buộc giày dép quần áo trẻ em là để gọi hồn những đứa trẻ đã mất. Ông ấy nói, sau này ông mới biết, nơi cây hòe cổ này là di chỉ kinh thành cũ của nhà Thương, có lịch sử hơn ba ngàn năm.

Vào năm 58, nơi này được sửa thành công viên Tử Kinh Sơn, công nhân khi đào móng nhà đã đào được một hũ đồng lớn, sau đó bí mật bán chúng cho người nước ngoài đến du lịch, kiếm được một món hời!

Năm 1961, Quốc vụ viện công bố các đơn vị bảo vệ di tích văn hóa trọng điểm đợt đầu tiên, trong đó có nó.

Không chỉ có hòe cổ, ở gần Hoàng XX còn có một cái giếng trời.

Chúng tôi không biết giếng trời này có nguồn gốc như thế nào. Thậm chí chúng tôi còn nghi ngờ đó là một hố thiên thạch. Dù sao thì trong phạm vi vài chục mét quanh miệng hố, không có bất kỳ cây cỏ nào mọc được, đất thì có màu gạch, như thể đã bị lửa thiêu rụi.

Cái giếng trời này rộng gần bằng cái ao nhỏ, rất sâu. Bên trong có suối nguồn, nước suối chảy hướng ra ngoài lạnh như băng, đến gần hơn còn cảm thấy khí lạnh tưởng chừng muốn nhập vào cốt tủy.

Nghe nói phong thủy gần Hoàng XX bị cây hòe cổ và giếng trời này phá hủy, do đó năm nào cũng có người chết. Nói ra thì Hoàng ủy hội thực sự đã gây ra rất nhiều rắc rối trong những năm đó.

Chuyển đến đây chưa được bao lâu, nửa đêm có người dậy đi vệ sinh, không biết chuyện gì xảy ra, chết chìm trong hố sụt. Hôm sau vớt lên, thân phình to như mảng da bò.

Sau đó lại có một vị lãnh đạo người Đông Bắc, ông ta rất béo mà người béo thì lại sợ nóng. Những ngày nóng nực ưa mát mẻ, tối đến quấn chiếu ngủ dưới gốc cây hòe già.

Kết quả là ngày hôm sau, ông ta “mát mẻ” thật, cả người lạnh ngắt, chết mấy tiếng đồng hồ rồi.

Ban đầu ai cũng nghĩ là tai nạn, về sau lần lượt có người chết, có người đột ngột qua đời vì tai nạn xe cộ, có người tự nhiên bị bệnh, đều là chết bất đắc kỳ tử. Câu chuyện lan truyền, có người cho rằng ở đây bị phạm Thái Tuế chôn dưới đất, động thổ trên đầu Thái Tuế, còn có thể yên ổn sao?

Còn có người nói rằng nửa đêm sẽ có tiếng khóc thảm thiết của phụ nữ dưới hố, số khác nói khi đi qua hố, họ nhìn vào bên trong và thấy một khuôn mặt đẫm máu. Đảng Cộng sản không mê tín nhưng cũng bị giày vò bởi những điều kỳ quái. Sau đó, nhờ vào mối quan hệ, đã bí mật đón một ông già được coi là “yêu ma quỷ quái” từ một trại lao động ở phía Nam đến, nhờ ông ta giúp đỡ.

Ông già đó ăn no cá chép sông Hoàng Hà, đi khắp bốn hướng, miệng lẩm nhẩm, dùng la bàn xác định vị trí, ném chu sa vào giếng trời, đo địa thế phong thủy, sau đó xoắn râu chỉ đạo chúng tôi, nói nơi này dựa cửa sông Hoàng Hà, phạm phải quái sông, bảo chúng tôi tìm một người Sơn Đông trấn tại đây, mới có thể áp chế thủy quái.

Ông ta nói: Long mạch thiên hạ bắt đầu từ núi Côn Lôn, kết thúc ở núi Thái Sơn, vì vậy Sơn Đông huyết khí thịnh, xuất hảo hán, cũng ra thổ phỉ, Lương Sơn tạo phản chỉ là chuyện sớm muộn.

Vì vậy người Sơn Đông mạng lớn, chỉ cần có một người Sơn Đông trấn tại đây, rồi thỉnh một hòn đá ở núi Thái Sơn trấn thủy quái thì những thứ yêu ma quỷ quái sẽ không dám quấy nhiễu nữa.

Nghe ông ấy nói rất có lý, chúng tôi đều bị thuyết phục, vội bận rộn sắp xếp người lấy đúng hai mươi xe tải chở vôi sống lấp đầy miệng hố, đợi cho khí nóng tan đi, lại phủ một lớp phù sa sông Hoàng Hà lên. Trên lớp bùn trồng một cây đào, dưới gốc xây hồ xi măng, thả chín con cá chép đỏ vây vàng vào nuôi.

Sau đó khẩn cấp điều một vị lãnh đạo từ Sơn Đông đến, đồng thời bảo ông ta thỉnh một viên đá ở mạn nam núi Thái Sơn. Trên viên đá khắc 5 chữ: “Thái Sơn thạch cảm đương”.

Hòn đá được đặt trước hồ cá, hàng chữ đối diện với Hoàng Hà cổ đạo như được Thái Sơn trấn giữ vững chắc.

Theo lời ông lão nói, đây là một hệ phong thủy, có cây, có đá, có nước, có cá, che gió ngăn nước, chín con cá dọn đường, chỉ cần chặn được bảy đầu tà khí, tất sẽ bình an vô sự.

Chúng tôi trải qua mấy ngày trong nơm nớp lo sợ, thấy rằng hệ phong thủy này quả thực phát huy tác dụng. Tiếng khóc của người phụ nữ đã biến mất, cũng không có người chết. Thậm chí lúc đi qua gốc cây hòe cũng không còn cảm thấy lạnh nữa. Chín con cá chép đỏ ung dung du đãng trong làn nước.

Ngay khi chúng tôi đều tưởng rằng mọi chuyện sẽ cứ thế qua đi, không ai ngờ rằng lại xảy ra một chuyện cực kỳ quỷ dị khác, sự việc này trực tiếp biến nơi này trở thành ác địa lớn nhất Trịnh Châu.

Đó là vào một đêm của mấy ngày sau, nửa đêm canh ba đột nhiên có mấy tia sét giáng trời, mưa trút xuống, thật sự mưa rất lớn, cả sông Hoàng Hà như đang gầm thét.

Lúc đó có một đồng chí nữ đang trực, lãnh đạo lo cô ấy sợ hãi, liền gọi mấy thanh niên đến đơn vị cùng cô ấy.

Trận mưa to quá, dùng đèn rọi mạnh một lượt, bóng đổ trong cơn mưa nặng hạt, những cành cây hòe cổ thụ trùng điệp đung đưa như những con rắn khổng lồ trong mưa, và những hạt mưa trắng sáng to bằng hạt ngô liên kết lại thành những cột mưa dày bằng ngón tay. Cột mưa dày đặc đến nỗi ánh sáng không thể lọt qua.

Thường thì mùa thu hiếm khi có trận mưa lớn như vậy, mấy người chúng tôi lo lắng sông Hoàng Hà có chuyện gì xảy ra nên cả đêm không dám ngủ. Đồng chí nữ kia là người dân tộc Mông Cổ, cô ấy rất trầm tính và thanh lịch. Cô ấy pha một ấm trà gạch Mông Cổ cho chúng tôi.

Đối với trà gạch Mông Cổ, đun sôi một nồi nước trước, rồi cho một nhúm trà nhỏ vào, sau khi đun sôi thì múc nước trà trên đó ra và đổ sữa vào.

Khi ấy chúng tôi còn trẻ, đêm mưa, mấy người cùng nhau ngồi uống trà gạch, nói chuyện quốc gia, vận mệnh, giờ nghĩ lại đều thấy ấm lòng. Nói đến đây, ông lão có chút xúc động: "Chà, những chuyện đó xảy ra mấy chục năm trước, sau này tôi rời Hoàng ủy hội, đi đến nhiều nơi, Tây Tạng, Tân Cương, Mạc Hà. Ở những nơi đó, hoang vu vô cùng, cả ngày không thấy bóng người. Tôi thường nhét một vài viên trà vào túi, đun sôi là có thể uống, áp chế cơn đói.

Trà gạch ở các vùng Tây Tạng chứa hạt tiêu, muối xanh, sữa, vừa to vừa cứng như đá, phải dùng búa mới đập ra được giống như cơm vậy, có thể chống đói. Nhưng nói sao nhỉ, tôi đã uống trà gạch từ rất nhiều nơi, và tôi luôn cảm thấy nó không giống với những gì tôi đã uống ở Hoàng ủy hội đêm đó". Khóe mắt ông lão có chút ươn ướt, châm điếu thuốc, cảm khái nói: "Thoáng chốc tôi đã rời Hoàng ủy hội mấy chục năm, cô gái đó không biết có nhớ tôi không."

Hút thêm vài điếu thuốc, ông ta mới thở phào nhẹ nhõm và nói tiếp: "Sáng hôm sau dậy thấy nước bên ngoài ngập đến đầu gối, mọi người ra ngoài kiểm tra, sông Hoàng Hà vẫn ổn, còn Hoàng ủy hội lại xảy ra chuyện…

Chính xác mà nói, là lại có người chết…

Lần này là một người phụ nữ.

Những năm đó, tôi cũng thấy rất nhiều người chết, chết bất đắc kỳ tử cũng thấy nhiều, chết đuối, treo cổ, bị đánh chết, trúng độc, nhưng tôi chưa từng thấy cách chết quỷ dị như vậy.

Cô bị ném xuống sông, chết đuối.

Con sông mà cô ấy bị ném là cái giếng trời ban đầu được chúng tôi bịt kín bằng vôi sống và xi măng. Có thể là do mưa lớn cuốn trôi lớp xi măng, cũng có thể có người cố ý phá hủy, hố ban đầu chặn lại đều bị cuốn trôi, mưa tạo thành một con sông dài, có cỏ nước trôi trên sông…

Khi đến gần hơn, lại thấy đó không phải là cỏ nước, mà là mái tóc xõa của một người phụ nữ.

Mọi người đều hoảng hốt, đầu tiên cảnh sát tìm một cái móc dài để móc tóc nhưng không kéo được, cuối cùng quyết định treo thưởng, cho một người ăn xin xuống nước lôi người đó lên.

Ngay khi thì thể người phụ nữ ấy được đưa lên, tất cả chúng tôi đều há hốc mồm.

Cô ta mặc một chiếc áo choàng lớn màu đỏ tươi trông giống như người hát kịch, đầu đội một cái túi vải lớn cũng màu đỏ, trên người buộc chặt tấm bia đá, cứ thế nhảy xuống hố.

Vị lãnh đạo Sơn Đông trợn tròn mắt, ngồi xổm xuống nhìn, lại không kìm được hét lớn. Tảng đá buộc trên người cô ta chính là tảng đá mà ông ta thỉnh từ núi Thái Sơn về.

Sau đó có người bấm ngón tay, tính từ lúc chúng tôi trát xi măng lên giếng trời đến khi có người chết, là vừa tròn bảy ngày.

Nghĩ lại, ông lão kia trước khi rời đi có nói, chỉ cần đá núi Thái Sơn có thể chặn được tà khí trong 7 ngày thì sẽ không sao. Xem ra cuối cùng vẫn không thể ngăn được."

Aizz, ông già thở dài, khi ấy, cây hòe cổ và giếng trời không ngừng quấy nhiễu chúng tôi.

Cho đến mùa hè nọ, một vị lạt ma một mắt đi lễ chùa ngang qua đây, đói khát rồi ngất xỉu dưới gốc cây cổ thụ, tôi dìu ông đến Hoàng ủy hội xin ít lương khô và cháo cho ông ấy ăn.

Nghỉ ngơi một lúc, ông ta đứng dậy, đi đến chỗ giếng trời, ném chuỗi tràng hạt trên cổ xuống, sau khi đọc kinh cầu nguyện cho chúng tôi một lượt, rồi nhất quyết lê tấm thân mệt mỏi của mình đi.

Nói ra lạ thật, từ đó suối lạnh trong cái giếng trời ấy cạn dần, nước cũng không chảy ra nữa. Sau đó bị chúng tôi lấp lại như một hố rác.

Nhiều năm sau, tôi đi du lịch đến Tây Tạng, ở lối vào Triết Bạng Tự của ba tu viện lớn gặp rất nhiều vị lạt ma già. Họ chắp tay chào, tôi cũng đáp lễ. Sau đó có một vị lạt ma nhắc đến chuyện vị lạt ma một mắt kia, mới biết nguồn gốc sự việc không hề đơn giản.

Chuỗi tràng hạt mà vị lạt ma một mắt ném vào giếng trời lúc bấy giờ gọi là tràng hạt kapala, được làm bằng xương người và là báu vật tối thượng của các Lạt ma Tây Tạng.

Đặc biệt là chuỗi kabala năm đó không phải làm bằng xương người thường, mà được làm bằng xương sọ của các Lạt ma tu hành cả đời, được Phật pháp phù hộ, xương cốt của Đức Phật hòa vào thân thể, có thể tránh được mọi quỷ quái tà ma.

Sau đó, tình cờ, tôi đã gặp lại vị lạt ma ở Tây Tạng và biết được câu chuyện một mắt của ông.

Từ đó về sau, mỗi năm, tôi đều đến Tây Tạng một lần để gặp vị lạt ma già, đây cũng được coi là một phép tu hành.

Nghe xong câu chuyện này, tôi rất cảm động, tôi liên tục nghĩ về cây hòe cổ, giếng trời, nữ quỷ và Lạt ma, sau đó tôi nhịn không được cầu xin ông lão đưa tôi đến gặp vị lạt ma già một mắt.

Ông già thuận miệng đồng ý và nhận phòng cùng một khách sạn với tôi vào đêm hôm đó, hẹn ngày mai cùng nhau đi. Nhưng sáng hôm sau, khi tôi tỉnh dậy, lại thấy giường của ông trống không. Tôi hỏi người phục vụ và được cho biết ông ấy đã đi từ lâu.

Không ngờ sau này tôi gặp lại ông lão và vị lạt ma một mắt bí ẩn trong câu chuyện của ông ta, đó là một câu chuyện khác, tôi sẽ kể sau.

__________________________________

Phần tiếp theo: Người Bất Tử.

Des Ảnh: Yue Moul.