[Oneshot Series] Ngư Thúc Quái Đàm

Chương 87: Cô Gái Núi Côn Lôn



"Ngút trời a, Côn Lôn sơn, vạn ngọn núi, cao ngàn trượng…"

Trong mắt, trong tim của mỗi người dân Trung Quốc, núi Côn Lôn giống với Hoàng Hà, Trường Giang, là một tồn tại rất đặc biệt.

Nó là dãy núi thiêng đầu tiên của Trung Quốc, là vạn tổ chi sơn, đạo tràng của Tây Vương Mẫu nương nương, nơi đây được thú Khai Minh mặt người thân hổ, sâu đất ăn thịt người, thú Khâm Nguyên mình mang kịch độc, phượng hoàng lửa và các loài quái vật thần bí khác thủ hộ…

Ngoài ra, nó còn là Tổ Long địa, lăng mộ của các vị thần, là nơi long mạch Trung Quốc khởi nguồn, những con rồng thực sự trên tám mươi phần trăm đều được tìm thấy tại đây.

Thời còn trẻ, tôi từng đi cùng một đội xe qua núi Côn Lôn, trên đường nhìn thấy thây người đông cứng dưới lớp băng, những bộ xương khô khổng lồ như của rồng, căn cứ quân sự thần bí, tộc người cầm đuốc cử hành nghi lễ…

Còn có một cô gái tôi vĩnh viễn không thể nào quên.

Được rồi, sau đây tôi sẽ kể câu chuyện đi khám phá núi Côn Lôn.

Đó là câu chuyện của rất nhiều năm về trước, tôi còn ở độ tuổi vô pháp vô thiên, cùng một đám người không biết sợ chết đi trên chuyến road trip tới núi Côn Lôn.

Chúng tôi đi từ Bắc Kinh đến Urumqi, rồi tới Asku, Kashgar, Kargilik, sau đó theo quốc lộ 219 đến trạm quân đội Kudi, trạm biên phòng Kudi, trạm quân đội Mazha, doanh trại Thập Tam Lý, đại lộ Quốc Phòng, đèo Thần Tiên, cuối cùng đến núi Côn Lôn.

Thực ra sau khi đến trạm quân đội, cơ bản đã không thể đi tiếp được nữa, không chỉ bởi vì dốc băng trơn trượt, đầm lầy, phản ứng cao nguyên, bầy sói hoang, càng đáng sợ hơn là rất nhiều nơi đều là khu tự trị quân đội, xe dân dụng căn bản không thể đi vào.

Nhưng may là trong đoàn của chúng tôi có một cô gái tay mắt thông thiên, chỉ cần gọi một cú điện thoại là đã có thể đi tiếp.

Hơn nữa đội xe còn có mấy tên phú nhị đại, không chỉ không tiếc bỏ tiền còn chẳng sợ mất mạng, mới tiếp tục tiến lên được.

Có điều, kết cục của chuyến road trip điên cuồng này không hề vui chút nào: ba người chết, một người mất tích.

Một đường đi đến, đương nhiên chúng tôi đã phát hiện khá nhiều thứ không tưởng, ví dụ như bộ xương khô khổng lồ giữa lòng hồ cạn, những loài vật thần bí chưa từng được phát hiện, và cả loài vật cự đại tựa rồng bị đông cứng dưới lớp băng trên núi tuyết.

Nhưng, chấn động nhất lại là con người.

Những người đã chết.

Đi đến đoạn có dốc băng lớn, một chiếc xe làm vỡ lớp băng, nửa trước chìm cả vào trong nước, lúc chúng tôi kéo xe lên, làm vỡ thêm một tảng băng lớn nữa, phát hiện trong nước đâu đâu cũng toàn là người.

Thật đúng là người!

Hơn nữa còn là quân lính!

Những người lính này hình như là cắm trại đêm ở đây, nhiệt độ quá lạnh cho nên ngồi tụm lại cùng một chỗ, nhưng đột nhiên chết hết.

Bởi vì tử vong quá nhanh, toàn bộ đều bị đông cứng dưới lớp băng, từ bên ngoài còn có thể nhìn rõ quân trang trên người bọn họ, mi mục, thậm chí cả biểu cảm.

Chúng tôi không hề biết tại sao những quân nhân đó lại chạy đến nơi cao tận bốn, năm nghìn mét so với mực nước biển này, cũng không biết vì sao bọn họ bị nhốt dưới lớp băng, nhưng nhìn thấy họ chết một cách thê lương như vậy, tôi khó nén nổi lòng tiếc thương.

Tôi lấy bật lửa ra, định thắp cho họ nén nhang, nhưng nơi này địa hình quá cao, bật lửa gần như không thể dùng được, chỉ đành từ bỏ.

Trước khi rời đi, cô gái đó ý vị thâm trường nhìn tôi, vỗ vỗ vào vai tôi.

Sau đó, chúng tôi lại phát hiện rất nhiều doanh trại bị bỏ hoang.

Nói là doanh trại nhưng thực ra chỉ là mấy túp lều nhỏ sơ sài. Không biết đã qua bao nhiêu năm, vài túp lều sớm đã mục nát, sụp xuống, để lộ đồ vật bên trong, trông giống một chiếc máy cơ khí nhỏ, còn có mấy quyển sách cũ.

Tôi dùng gậy gỗ gạt ra xem, cố gắng nhìn rõ máy cơ khí trong căn lều, nhưng trên đó viết toàn tiếng nước ngoài, tôi không hiểu gì sất.

Cô gái đó xem một hồi, bảo là tiếng Nga, đều là thuật ngữ chuyên ngành, cô ấy cũng không rõ lắm.

Cô đoán: "Nơi này chắc hẳn đã có từ ba bốn mươi năm trước rồi."

Cô chỉ vào một cái chao đèn hình dáng kì quái, nói: "Đây là đèn bão, được dùng vào những năm sáu, bảy mươi, đèn măng-sông sau này là được cải tạo từ đèn bão đó. Mọi người xem, ở phía ngoài của nó có một ống bơm, lấy dầu hoả đổ vào nắp a-mi-ăng, đốt lên là được rồi."

Chúng tôi cảm thấy rất thú vị, tiếp tục tìm xung quanh, lại phát hiện một cái két sắt kiểu cũ.

Két sắt dùng khóa kiểu xoay, chúng tôi xoay đi xoay lại, thế nào cũng không mở được, liền gọi cô gái kia ra xem thử, nói không chừng lại mở được thì sao.

Không ngờ rằng, cô ấy nhíu nhíu mày, thử vài số, cuối cùng két sắt thật sự mở ra luôn.

Chúng tôi ngớ cả người, trong cái két sắt này rốt cuộc cất giấu bí mật gì đây?

Mở ra xem, bên trong chủ yếu là một số văn kiện bị niêm phong, được bọc kín bằng giấy kraft, bóc ra nhìn, văn kiện được bảo quản rất tốt, không bị ẩm, đáng tiếc lại toàn là điện báo, căn bản không hiểu nổi.

Lại tiếp tục tìm, bên trong bắt đầu có một vài bưu kiện, trên phong bao viết “Hòm thư Thanh Hải Tây Ninh XXXX".

Cô gái kia nói: “Là bưu chính quân đội, hơn nữa còn là đơn vị bảo mật. Mọi người xem, XXXX là mã binh chủng, để phòng việc bị lộ địa chỉ nên đều được bí mật chuyển giao.”

Tôi hiếu kì ngó vào xem, phát hiện trên một phong văn kiện được niêm phong đặc biệt có vẽ phù hiệu bằng mực đỏ, nét bút rất thô.

Đang chăm chú nhìn, sắc mặt cô gái kia đột nhiên biến đổi, vươn tay kéo phong văn kiện qua, sống chết không cho tôi xem, còn bảo là bí mật quân sự.

Mặc dù hành động này của cô có hơi quá quắt nhưng tôi cũng không để trong lòng, cười haha là qua chuyện.

Nói thật thì, tôi cũng khá thích cô ấy.

Mặc dù doanh trại này rất hoang phế, nhưng địa thế không tồi, kín gió lại tránh mưa, chúng tôi quyết định hạ trại tại đây.

Dùng nồi áp suất đun nước, hầm ít cháo thịt, ăn mấy cái bánh hardtack, ngồi cùng nhau ngắm sao trò chuyện, chủ đề câu chuyện tự nhiên lại chuyển đến những căn cứ quân sự bí mật như thế này.

Có người kể, trước kia một người họ hàng của anh ta ở Quảng Tây làm xuất khẩu hàng hóa qua biên giới Việt Nam.

Những năm ấy, nói là xuất khẩu nhưng thực chất chính là buôn lậu, lấy gỗ gụ, ngà voi về, bán quần áo phục trang, đồ điện Trung Quốc qua, vì vậy toàn đi theo đường mòn qua rừng mưa nhiệt đới, cứ chỗ nào hoang vắng thì đi vào, thế mới tránh được lính biên phòng.

Có một lần, bọn họ bị lạc đường, không cách nào ra được, la bàn chỉ rõ bọn họ càng đi càng xa, đã vào sâu trong rừng nhiệt đới, thế nào cũng không tìm được đường ra.

Đến khi mấy người họ đã gần như tuyệt vọng, lại đột nhiên phát hiện một căn cứ quân sự to đùng.

Hơn nữa căn cứ này hoàn toàn không phải kiểu hang tai mèo, hầm phòng không như mọi người thường thấy, mà toàn bộ được xây bằng xi măng cốt thép, dưới gốc cây cổ thụ, hàng loạt những tháp canh kiên cố được xây lên, lính canh tuần tra 24/24, rất nhiều binh sĩ không có quân hàm ra ra vào vào, phục sức và trang bị rõ ràng không giống với quân lính thông thường.

Trong căn cứ đâu đâu cũng phủ vải bạt, giống như là phòng ngừa máy bay trinh sát của bọn Mỹ, cũng giống đang trốn tránh thứ gì đó.

Sau đó, binh lính phát hiện ra bọn họ, cấp đồ ăn nước uống cho họ xong còn phái một chiếc xe không có biển số đưa họ ra ngoài.

Vì thế, vị thân thích ấy mỗi lần uống say đều đi kiếm người ngồi kể câu chuyện này, bảo, đừng xem Trung Quốc có vẻ chẳng đâu ra đâu, bọn mưu mô xảo quyệt già hết rồi, đâu đâu cũng đào bẫy bọn Mỹ, đảm bảo lũ hèn ấy một đi không trở lại.

Mọi người đều bật cười.

Duy chỉ có cô gái ấy là không. Cô ngồi trên đất, hai tay bó gối, dường như đang suy nghĩ.

Tôi chọc chọc cô: “Đang nghĩ gì vậy?”

Cô trầm ngâm nhìn bầu trời đầy sao, kể với tôi. Quê nhà cô ấy ở sâu trong núi Côn Lôn, trên một mảnh đất thần bí. Cô ấy không phải người Hán, cụ thể là dân tộc thiểu số nào cũng không rõ lắm.

Về gia thế, đây là điều cấm kỵ trong gia tộc, không thể tiết lộ. Có điều cứ mỗi mười năm, tộc nhân tứ tán ở Trung Nguyên và các nơi khác đều phải vạn dặm xa xôi về quê tế tổ.

Khi ấy cả đoàn mấy trăm người cưỡi lạc đà qua sa mạc Gobi gió cát, tất cả đều trùm khăn trên đầu, chỉ để lộ ra đôi mắt, không ai biết được người khác trông thế nào.

Đi theo đường thủy đạo cổ, không biết bao nhiêu ngày, đến nơi mạch nước đã khô cạn, khắp phía đều là cát vàng, mọi người đã mệt lả, trên người kết một tầng muối cát dày, khó chịu muốn chết.

Lúc này, phía trước bắt đầu nổi gió lớn, cát bay đầy trời, tựa như có thiên quân vạn mã đang bôn tẩu.

Mọi người vội thúc lạc đà, không thiết sống chết theo đó mà chạy.

Cảm giác khi ấy rất kỳ quái, bạn sẽ thấy nhiệt độ xung quanh lúc cao lúc thấp, khi thì tựa đang thiêu mình trong lửa, khi thì lại như rơi vào hầm băng.

Cuối cùng, không biết đã qua bao lâu, trong miệng mũi của lạc đà bắt đầu sùi bọt trắng, sau đó dần còn có cả máu, từng con từng con một ngã xuống, mọi người bắt đầu xuống đi bộ.

Đi tiếp ba ngày nữa, mới đi đến một toà pháo đài khổng lồ.

Cô kể, lúc ấy cô rất chấn kinh, cũng không nói rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Toà pháo đài đó nhìn qua không lớn lắm, nhưng lại cho người ta cảm giác vô cùng trang nghiêm, tựa như đột nhiên thấy Thiên An môn thần thánh hiện ra trước mắt vậy.

Cô nhớ, nơi đó là một mảnh đất mạc bằng phẳng, nhưng trong sa mạc đột nhiên xuất hiện một ngọn núi đá trơ trụi, trên núi sừng sững một công trình kiến trúc lớn tựa pháo đài cổ đại.

Pháo đài được xây bằng đá màu trắng, xen kẽ những cột trụ màu đỏ, đỏ là đỏ tươi, trắng là trắng tinh, vô cùng nổi bật giữa sa mạc đầy cát.

Tất cả mọi người quỳ xuống trước pháo đài, phụ nữ và trẻ em lưu lại ở ngoài, đàn ông trai tráng nghiêm trang kính cẩn đi vào trong, rất lâu mà không thấy trở ra.

Khi ấy cô còn nhỏ tuổi, lại cưỡi lạc đà mãi, lúc nào cũng muốn xuống đất, liền liều mạng chạy như điên về phía trước.

Người lớn không kịp kéo lại, cô cũng theo đó xông vào.

Nhiệt độ bên trong rõ ràng thấp hơn ở ngoài rất nhiều, vừa bước vào cô đã thấy rùng mình.

Tường trong phòng được quét sơn màu đen, bên trên dùng chu sa vẽ lên rất nhiều đồ án kì dị.

Màu đen ấy kết hợp với màu đỏ tươi của chu sa cho người ta cảm giác rất không tốt, giống như là… giống như là máu tươi bị đông lại vậy.

Lúc ấy cô rất sợ hãi, muốn quay đầu chạy ra ngoài, nhưng lại nhầm hướng, đi hẳn vào trong, chưa chạy được bao lâu đã bị tràng cảnh trước mắt làm cho kinh ngạc.

Trước mặt cô xếp la liệt rất nhiều ang màu đen, một cái còn chưa được đóng kín, lộ ra một thi thể, toàn thân được quấn vải trắng rất cẩn thận, yên lặng nằm trong ang, chỉ hở ra khuôn mặt.

Nói đến đây, cô đột nhiên dừng lại, hỏi tôi: "Anh có biết đó là ai không?"

Tôi bất chợt rùng mình, hỏi: "Là ai?"

Cô cười như không cười, chỉ nói duy nhất một từ: "Tôi."

Tôi bị dọa cho nhảy cả lên: "Là cô á? Sao lại là cô được???"

Cô nghiêm túc gật gật đầu: "Tôi nhớ rất rõ, người đó chính là tôi."

Thấy tôi có vẻ rất kinh sợ, cô bật cười: "Cũng có khả năng là người đó trông giống tôi y hệt."

Cô đứng dậy, đi vòng ra sau tôi, vội hôn lên đỉnh đầu tôi: "Đừng có mà yêu tôi, ngốc ạ!"

Tiếp đó, vào lúc tôi còn chưa kịp phản ứng lại, cô đã chuồn mất rồi.

Sau đó thì sao?

Không có sau đó nữa. Ngày thứ hai, khi xe của chúng tôi đi qua một hẻm núi, có một chiếc bị lật, đụng vào xe phía sau. Ba người tử vong tại chỗ, tôi cũng bị thương nặng.

Theo lý mà nói, ở nơi như thế, chúng tôi khẳng định phải chết, nhưng tôi mơ hồ nhớ được có rất nhiều người mặc kỳ trang dị phục tới, nam nữ già trẻ, khẩu âm rất lạ, mang chúng tôi ra ngoài, chuyện mặt sau tôi cũng không biết gì nữa.

Đến khi tôi tỉnh lại thì đã ở trong phòng bệnh của bệnh viện quân khu, xung quanh có mấy người, là những người đã may mắn sống sót, nhưng không có cô gái ấy.

Mấy người chúng tôi ngồi lại hồi tưởng, phát hiện chúng tôi không hề biết gì về lai lịch của cô, không biết cô gia nhập đoàn xe bằng cách nào, thậm chí còn không ai biết tên cô, càng đừng nói ảnh chụp các loại.

Sau này, tôi lục tục đi qua Thanh Hải mấy lần, từng định nhờ người khác tìm giúp tung tích của cô, nhưng lại không có cách nói ra bất kỳ tin tức nào của cô, lâu dần cũng nguôi lòng.

Chỉ là thỉnh thoảng, khi đêm về, cũng thường nhớ tới, cô gái như một chú nai nhỏ, vui vẻ nhảy nhót trên sườn núi, thân thế thần bí, đôi mắt lanh lợi, đều khiến người ta thương nhớ không thôi.

Viết đến đây, nhịn không được hút một điếu thuốc, bên ngoài có tiếng ếch kêu, ánh trăng bàng bạc, đột nhiên rất nhớ cô ấy. Không biết những năm qua em sống thế nào, liệu có còn nhớ tôi không?