Tạm Biệt Versailles

Chương 29



Thời gian nước chảy mây trôi, chớp mắt ba năm trôi qua.

Phổ liên tục gây sự, ba năm qua nhà Habsburg phải chịu vô số dày vò.

Quốc Vương Pháp chờ đến khi Antonia tròn mười bốn tuổi, quân chủ hai nước mới trao đổi thư từ liên hôn.

“A, bánh ngọt đáng yêu của ta! Cuối cùng con cũng thành Vương Hậu!”

Nữ Hoàng ôm Antonia xoay hai vòng, mỉm cười giật râu Wenzel Anton von Kaunitz. Thủ Tướng dở khóc dở cười, sai người gọi Hoàng Đế bệ hạ tới cứu ông ta.

Mối thù Phổ chiếm thổ địa Áo chưa nguôi ngoai, Nga ở phương bắc dần bành trướng, Áo cần Pháp.

Bức thư chờ mong đã lâu được gửi tới, đích thân Nữ Hoàng đốc thúc nghị hôn.

Thời điểm Nữ Hoàng dạy con gái học lễ nghi Vương thất Pháp, lúc này bà mới phát hiện Pháp là… quốc gia kỳ quái.

“Nữ quan, thị nữ trang điểm, thị nữ hầu cận, hầu nữ trang điểm, còn cả người trông giữ kho trang phục?” Nữ Hoàng nhìn sách nghi lễ, không tin vào mắt mình, “Chỉ để thay váy vóc?”

“Không những thế còn cần hai người hầu hạ tắm rửa? Hoang đường! Từ năm sáu tuổi con của ta đã tự biết tắm rửa.” Bà khinh thường, “Làm như phụ nữ Pháp không có tay.”

Antonia nhún vai, đương nhiên không để Nữ Hoàng chú ý hành động của cô.

Trên thực tế, có tất cả tám người hầu tắm, ngoài ra còn thêm phu nhân lễ nghi.

Thay váy vóc không chỉ có thị nữ và nữ quan, tất cả quý phu nhân trong cung đình đều tới xem – Đây chính là lễ nghi Versailles.

Kiếp trước vừa tới Versailles, cô cảm thấy không được tự nhiên, giống như mình là món đồ chơi bị mọi người vây xem, không có không gian riêng.

Antonia vốn đã gầy lại càng gầy thêm. Bị mọi người vây xem trong lúc dùng bữa, cô không có khẩu vị.

“Hả? Thứ này cũng được xếp vào hàng ngũ chính phủ?!” Nữ Hoàng mím môi, khinh thường nhắm mắt.

“Cái gì vậy ạ?” Antonia dò đầu.

“Đừng nhìn!” Nữ Hoàng kéo cô sang một bên, mất tự nhiên lật trang giấy khác, “Antonia, bao giờ tới đó, con phải cho người Pháp thấy tín ngưỡng và phẩm chất cao đẹp của con.”

À. Antonia biết bà đang nhắc tới chức vị nào.

“Tình nhân của Quốc Vương” mà thôi, không lạ.

Chẳng qua mẫu thân căm thù tình nhân tới tận xương tủy.

Antonia mỉm cười.

Không biết lúc này có bao nhiêu người ở cung điện Versailles, ngấm ngầm lợi dụng cô nàng tình nhân xuất thân nhà thổ để gây xích mích với Quốc Vương Pháp?

Bắt đầu từ mùa hè năm đó, quan ngoại giao Paris và Vienna thường xuyên qua lại. Lễ quan nhiệt tình đàm phán quy trình tổ chức hôn lễ, ai cũng không nhường ai. Người không biết còn tưởng bọn họ đang tranh chấp lãnh thổ quốc gia.

Ai sẽ ký tên lên khế ước hôn nhân trước: Ông nội của chú rể – Quốc Vương Louis nước Pháp, hay phụ thân của cô dâu – Hoàng Đế Franz Đế Quốc La Mã Thần Thánh?

Đoàn xe ngựa tiễn cô dâu cần bao nhiêu kỵ sĩ, quan quân, bác sĩ, thị nữ, nữ quan, người giặt quần áo?

Nên phát huy chương gì cho các quý tộc Áo theo cô dâu sang Pháp?

...

Mọi việc vẫn tiếp tục.

Antonia không hứng thú quan tâm công việc của quan viên, nhưng thấy bá tước Mercy sốt ruột tiều tụy, cô không đành lòng.

“Khụ, ngài Mercy.” Chờ Nữ Hoàng đi họp, cô lơ đãng gọi vị đại sứ sắp nhậm chức lại, “Nói không chừng… ta có cách… để hai quốc gia hài lòng, cũng giúp các ngài bớt việc.”

Chờ cô nói xong, Mercy trợn tròn mắt.

“A, điện hạ!” Anh ấy nhỏ giọng: “Đúng là… trước nay chưa từng có!”

“Nhưng… có lẽ sẽ thỏa mãn yêu cầu song phương… Thần phải bẩm báo cho Nữ Hoàng bệ hạ mới được!”

Một tuần sau, mọi người ngạc nhiên phát hiện các quan ngoại giao đã hoàn thành xong xuôi.

Hai bên đều nhượng bộ, cuối cùng đạt thành nhất trí. Theo như Mercy miêu tả, một khắc đó tất cả quan viên đều thở dài nhẹ nhõm.

Các quan viên thoát nạn không hẹn mà cùng nâng ly champagne, mỉm cười: “Kính chúc điện hạ Antonia!”

Thời điểm gần kề hôn lễ long trọng trước nay chưa từng có, các quan viên hoàn thành công việc sớm một tuần.

Hết thảy đều chuẩn bị xong, mùa xuân năm  1770 đã đến. Đại sứ đại diện Quốc Vương Pháp dẫn theo đội ngũ hơn ngàn người tới cầu hôn. Vương thất Habsburg và các quý tộc đứng ngoài ban công hơn ba tiếng, nghênh đón đội ngũ khổng lồ vào hoàng cung.

Bên trong ước chừng khoảng bốn mươi tám cỗ xe ngựa khổng lồ, mỗi chiếc xe có sáu con ngựa. Trong đó còn có chiếc xe ngựa mạ vàng bốn bánh do Hoàng Đế chế tạo riêng tặng Antonia.

Một trăm người chăm sóc ngựa đi theo chăm sóc ngựa và cỗ xe ngựa.

Một ngày trước khi nữ đại công tước Áo kết hôn, Antonia tham dự hội nghị ở đại sảnh cung điện Hofburg. Dưới sự chứng kiến của vợ chồng Hoàng Đế Thánh Chế La Mã và tất cả quan đại thần, quan ngoại giao cấp cao, cô ký tên vào hiệp nghị “từ bỏ quyền thừa kế”.

Trước khi công chúa Châu Âu kết hôn, họ đều phải ký tên. Điều này chứng minh công chúa đã kết hôn và con cái của công chúa từ bỏ quyền thừa kế ngôi vị.

Đương nhiên chỉ trên giấy tờ mà thôi.

Nhìn lịch sử khắc biết, thời điểm tranh đoạt vương vị, ai còn để ý đống pháp lý phế vật.

Sau khi cử hành hôn lễ ủy nhiệm ở nhà thờ lớn Augustine, đội ngũ khổng lồ náo nhiệt giống hệt lúc đến, lục tục rời Vienna.

Bọn họ rước Thái Tử phi nước Pháp về nhà.

“A, bé cưng của ta kết hôn rồi… Hy vọng nước Pháp sẽ yêu thương con bé…”

Franz buồn bã nhìn xe ngựa chở con gái dần khuất nơi chân trời, quay đầu nhìn vợ.

“A, nàng thân mến, em sao thế?” Ông ngạc nhiên phát hiện người vợ chưa bao giờ yếu thế nay lại rưng rưng nước mắt.

“Maria của ta, đừng buồn!” Franz luống cuống nắm tay vợ, ôm bà vào lòng.

“Franz.” Nữ Hoàng cúi đầu, “Cùng em tới nhà thờ nhỏ.”

Nhà thờ nhỏ là nơi thành viên Hoàng thất tới sám hối và làm lễ Missa. Ánh sáng chiếu xuống giá chữ thập, giúp con người ta thanh thản hơn phần nào.

“Maria, đừng khóc.” Franz an ủi vợ, “Con cái đều phải lập gia đình. Antonia gả tới Pháp hùng mạnh giàu có, âu cũng là chuyện tốt.”

“Hy vọng hết thảy thuận lợi.” Nữ Hoàng thở dài.

Bà cúi đầu, im lặng cầu nguyện.

Tối qua bà mơ thấy ác mộng.

Nửa đêm bà tỉnh dậy, mồ hôi thấm ướt trán.

Cảnh trong mơ vô cùng chân thật, giống như nó đúng là lịch sử… hoặc tương lai sau này.

Thời gian dần trôi, Maria Theresa chứng kiến hết thảy.

Bà thấy con gái út sống cuộc đời cô độc trong cung điện Versailles, người Pháp chết đói khắp nơi. Thành phố Paris điên cuồng, đâu đâu cũng nhuốm máu.

Gió lốc cắn nuốt đóa hoa chốn cung đình, kéo con gái bà vào vực sâu.

Maria Theresa hoảng sợ, nhớ lại mấy năm trước Áo và Pháp bàn bạc liên hôn, đại sứ bà phái tới Pháp báo cáo lại, nói Thái Tử Pháp không bằng ông nội cậu ta. Trí óc cậu ta có hạn, suy nghĩ trì độn, e rằng kết hôn sẽ không hạnh phúc.

Lúc ấy bà khinh thường tầm nhìn thiển cận của đại sứ.

Tại sao công chúa phải cần hạnh phúc? Trở thành Vương Hậu là được.

Nữ Hoàng Áo nhắm mắt, quỳ gối trước bức tượng, thầm nghĩ bà già rồi.

Bà không còn là Nữ Hoàng trẻ tuổi, mười mấy năm trước khi Phổ xâm lược, có thể tự mình lên chiến trường kiểm tra đạn pháo của binh lính.

Khi đó bà thị sát quân đội, các tướng sĩ nhiệt huyết còn viết một bài vè ủng hộ sĩ khí:

“Nằm sấp xuống, Friedrich nước Phổ tới rồi.

Để Nữ Hoàng bệ hạ nhắm bắn.

Mông của ngươi bay sang Nga.

Tủy não của ngươi tỏa sáng ánh mặt trời Tây Ban Nha!” (*)

Hiện tại thân xác bà già cả, lo được lo mất, không biết nên lèo lái tương lai dân tộc, thổ địa chắp vá đi đâu.

Gấu nâu phương bắc tỉnh dậy sau giấc ngủ đông, sói đói phương tây thậm thụt rình mồi. Áo cần đồng minh Pháp.

Bà không thể từ bỏ đám cưới.

Nữ Hoàng đặt trán lên bức tượng lạnh băng.

Antonia không phải bà. Phụ thân không có con trai, bà là đứa con duy nhất, vì vậy bà phải cầm quyền trượng thống trị quốc gia.

Con gái út sẽ bước trên con đường thoải mái an yên.

Sống trong cung đình Pháp, làm Vương Hậu tao nhã, hưởng thụ tốt đẹp thế gian.

Thượng Đế nhân từ.

Maria Theresa cúi đầu, yên lặng cầu nguyện.

Nguyện người phù hộ cho con gái út của con, để con bé có cuộc sống hạnh phúc.

...

Đêm trước ngày cô con gái nhỏ nhất của Nữ Hoàng Áo – hiện tại là Thái Tử phi nước Pháp khởi hành tới Paris, một bức thư được gửi tới.

Người ký tên là Nikola viện hàn lâm Paris.

Thiếu niên mười bảy tuổi đang tham gia trao đổi ở Paris. Có thể có cơ hội này cũng nhờ Antonia khuyên bảo phụ thân.

Luận thực lực, viện hàn lâm Paris là viện hàn lâm tốt nhất Châu Âu. Hoàng Đế không khó xử bọn họ, nhanh chóng đồng ý.

Nikola đã tới Vienna mấy tháng, không biết hiện tại ở Paris thế nào. Có thư đề cử của bác sĩ Swieten, chắc anh sống khá tốt?

Antonia chờ nhà tạo mẫu tạo xong kiểu tóc nặng khoảng 5 cân, lệnh người hầu lui xuống, mở thư ra.

Một tờ giấy trắng.

Thư được viết bằng mực tàng hình.

Cô để bức thư gần ngọn nến, dòng chữ xiên xẹo dần hiện lên.

Câu đầu tiên là: “Tòa soạn báo của cô khá tốt, ngoại trừ không thể kiếm tiền, hết thảy đều bình thường. Có lẽ đốt tiền thì đúng hơn… nhưng nhờ Vương thất Pháp trợ cấp, nó vẫn miễn cưỡng sống sót.”

Chà, không lạ.

Ông chủ không ở đó, cô không trông cậy Lavoisier chết dưới máy chém và Nikola đầu toàn máy hơi nước giúp cô kinh doanh tòa soạn báo.

Antonia nhìn dòng cuối, bất giác mỉm cười, ném thư vào lò sưởi.

Cô đứng dậy, rút quyển sách bản đồ Châu Âu.

Đây là bản đồ mới nhất năm 1769. Dựa theo trí nhớ của Antonia, không lâu sau nó sẽ vô dụng. Dù sao cô cũng không thể mang nó tới Pháp, bao giờ tới đó mua cuốn mới là được.

Antonia nhìn đống địa danh. Áo nằm giữa Châu Âu, đông bắc là Nga, đông nam là Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, tây bắc là Phổ, tây nam là Pháp, phía nam là Italy.

Cô nhìn hòn đảo nhỏ bên cạnh “chiếc ủng” Italy. (Italy được mệnh danh là quốc gia hình ủng).

Chính là nơi này.

Antonia chỉ hòn đảo nhỏ, xuyên qua Địa Trung Hải màu lam, bên trên Pháp và trái tim Châu Âu.

“Đúng rồi, Paris có tin mới. Tôi nghĩ cô sẽ hứng thú.” Thiếu niên viết trong thư.

“Italy bỏ rơi lãnh địa của họ, quân đội Pháp lập tức công chiếm…”

“Hiện tại đảo Corsica thuộc Pháp.”

_______

Lời tác giả:

Trên đảo Corsica xa xôi, đứa trẻ nào đó hắt xì, bỗng nhiên òa khóc.

_______

Một số bình luận của cư dân mạng Trung:

– Napoléon.

– Napoléon!!

– Cung nghênh bệ hạ Napoléon!

– Lật đổ mười sáu! Giẫm đạp Napoléon!

– Ừm… đột nhiên tò mò danh phận tương lai của nam chính…

– Lễ nghi nước Pháp thực sự rất biến thái. Tôi cảm thấy giống hệt thị tẩm thời nhà Minh, bên ngoài có tận bốn, năm thái giám canh gác (●—●)

_______

Lễ nghi nước Pháp: 

Bộ phim 《 Marie Antoinette 》 năm 2006 của Sofia Coppola là một bộ phim rất xuất sắc về trang phục và không khí cung đình Versailles thời kỳ tiền Cách mạng, kể về quá trình Marie Antoinette lần đầu đến Pháp, cho đến khi Cuộc diễu hành của phụ nữ công phá Versailles xảy ra, buộc vương thất Pháp phải đến Paris.

Trong đoạn đầu, bộ phim thể hiện một phân đoạn về quy tắc quyền ưu tiên của các thị tùng đối với nữ chủ nhân của cung điện – “Madame le Dauphine”, tức Marie Antoinette. Khi phục vụ cho ngài dauphine, các thị tùng xuất thân quý tộc này sẽ tùy thứ bậc mà được phân chia phục vụ tùy mức hạng, lấy việc gần gũi chủ nhân làm tiêu chuẩn. Càng là địa vị cao, thì càng có cơ hội được trực tiếp dâng đồ cho chủ nhân, do vậy những thị tùng này đều lấy đó làm niềm vinh hạnh.

Trong phân đoạn này, tuy phu nhân Noailles (mặc đồ xanh dương) là người chủ trì quá trình, tuy nhiên bà không phải là người có đủ tư cách để phục vụ trực tiếp ngài dauphine, mà là người có phân vị cao nhất khi ấy, tức La princesse de Lamballe, vì kết hôn với Le prince de Lamballe mà được dự vào hàng “Princesse du sang”. Ngay khi bà Lamballe chuẩn bị thay áo lót cho ngài dauphine, một quý phụ bước vào, và đó chính là La duchesse de Chartres. Xét theo vai vế, tuy cùng là princesse du sang thông qua hôn nhân, nhưng bà Chartres là vợ của Le duc de Chartres thuộc dòng Orléans – nhánh thứ chính gốc của nhánh chính đang trị vì, trong khi dòng Lamballe là con ngoại hôn được hợp pháp hóa.

Và khi bà Chartres chuẩn bị thay áo cho ngài dauphine, thì một quý phụ khác bước vào, ấy là La comtesse de Provence, cũng là em dâu của ngài dauphine. Xét theo thứ bậc, bà Provence thuộc về “Petits-enfants de France”, cao cấp hơn các princesse du sang, do vậy quyền ưu tiên thuộc về bà Provence, và bà “thong thả” hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể thấy được, người có tước vị cao nhất (duchesse) lại là người có địa vị thấp nhất (Chú: lúc này prince / princesse vẫn chưa có địa vị mà chỉ là một dạng nhã xưng mà nhà vua dành cho một số lãnh chúa), người có tước vị thấp nhất (comtess) mới là người có địa vị cao nhất. Đây cũng là mấu chốt lớn khi luận thân phận ở cung đình:「“Vai vế quan trọng hơn tước vị”」, từ Âu sang Á vẫn đều như nhau.

Credit: Vương Thất Anh – The British Royal Family trong group Xóm nhà Anh – House of Anglophiles.